Thực hiện dạy văn hóa song song với đào tạo nghề cho học sinh (HS) tốt nghiệp bậc THCS trong thời gian rút ngắn, vài năm trở lại đây, mô hình 9+ đang dần thay đổi cách nhìn của xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Thay vì phải vào lớp 10 công lập bằng mọi cách, nhiều HS đã chủ động theo mô hình 9+ để có thể gia nhập thị trường lao động chỉ sau ba, bốn năm học tập với tay nghề vững vàng.

Ngày quyết định cho con theo học mô hình 9+ tại Trường cao đẳng (CÐ) Quốc tế TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Hồng Thắm (quận Gò Vấp) cũng lo lắng đủ đường. Chị sợ con nhỏ tuổi quá chuyển sang học nghề không tiếp thu được, rồi sợ lịch học dày đặc khó thích nghi. Thế nhưng, sau ba năm theo học, đến tháng 10 tới, con gái chị sẽ hoàn thành chương trình trung cấp ngành dược sĩ tại trường và tiếp tục học lên CÐ trong thời gian một năm. Thấy con gái khoe đã có thể bốc thuốc cho người bệnh, nói tiếng Anh lưu loát, mạnh dạn tham gia các hoạt động cộng đồng, chị Thắm thở phào nhẹ nhõm: "Cũng như nhiều phụ huynh khác, ban đầu mình thật sự không thiện cảm mấy với mô hình giáo dục nghề nghiệp vì sợ con khổ, rồi lo chất lượng không bảo đảm. Thế nhưng, khi con vào học rồi mới thấy mô hình 9+ này có rất nhiều cái hay. Thay vì chật vật vào lớp 10 trong khi sức học hạn chế, sau ba năm con đã có thể hoàn thành chương trình trung cấp, rồi lên CÐ, lên đại học. Như vậy, chỉ sau 5,5 năm, con mình đã có bằng đại học rồi, trong khi đó các bạn của con chỉ mới là sinh viên năm thứ ba. Với khả năng ngoại ngữ tốt, việc du học cũng không mấy khó khăn. Thấy con tiến bộ rõ rệt, biết thực hành nhiều môn, mình vui lắm".
Triển khai mô hình 9+, năm đầu tiên chỉ tuyển sinh được 70 HS, đến năm thứ hai số lượng HS nhập học tăng lên gấp đôi. Năm nay, Trường CÐ Quốc tế TP Hồ Chí Minh dự kiến dành khoảng 300 chỉ tiêu cho bậc đào tạo này ở tám ngành (Dược sĩ, Quản trị doanh nghiệp (DN), Quản trị Nhà hàng - Khách sạn, Quản trị Bếp và Ẩm thực, Hướng dẫn viên du lịch, Quản trị mạng máy tính, Thiết kế đồ họa và Ðiện công nghiệp). Ðến thời điểm hiện tại, trường đã tuyển sinh được khoảng 50%. Không chỉ đào tạo bảy môn văn hóa để HS có thể đăng ký thi tốt nghiệp THPT quốc gia (nếu có nhu cầu) trong quá trình học lên trung cấp, CÐ, đại học, trường còn đưa ra chuẩn tiếng Anh khắt khe để HS nỗ lực trong suốt quá trình. Theo đó, khi tốt nghiệp CÐ (tức sau bốn năm), HS theo mô hình 9+ bắt buộc phải đạt mức chuẩn tương đương TOEIC 400. Trong đó phải có 25% số HS đã đạt chuẩn B1 châu Âu. Trong cuộc kiểm tra gần đây, hơn 25% số HS mô hình 9+ tại trường đã đạt được mức yêu cầu cao này. Tỷ lệ HS giỏi, khá cũng tăng theo từng năm (năm học 2018 - 2019: 20,8% giỏi và 34,5% khá; năm học 2019 - 2020: 34,7% giỏi và 47% khá).
Hiệu trưởng Trường CÐ Quốc tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ðăng Lý cho biết: Việc thuyết phục HS và phụ huynh theo mô hình 9+ không hề đơn giản. Thế nhưng, thấy khó mà không làm thì chất lượng phân luồng trong giáo dục nghề nghiệp sẽ chưa thật sự hiệu quả. "Bên cạnh nỗ lực của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông qua việc ban hành nhiều chính sách và đẩy mạnh tuyên truyền, theo tôi, bản thân mỗi trường CÐ cũng phải cố gắng hết sức. Nhưng trước mắt phải tập trung nâng cao chất lượng, thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp nhu cầu thực tiễn. Mô hình 9+ tại trường chúng tôi luôn đặt ra các kế hoạch đào tạo cụ thể như hết lớp 10, 11, 12 các em đạt được gì, thời lượng thực hành tại DN phải đạt bao nhiêu phần trăm… Mọi thứ phải làm nghiêm túc thì mới mong thay đổi quan niệm xã hội về giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, góp phần hạn chế tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" trong thị trường lao động", ông Lý cho hay.
Không chỉ cam kết việc làm cho 100% số SV sau khi tốt nghiệp, các trường còn chủ động mời đại diện các DN, doanh nhân tham gia giảng dạy tại trường và đưa giảng viên đến các DN học hỏi kinh nghiệm. HS, SV cũng được đến kiến tập, thực tập tại các DN đúng lĩnh vực để thử môi trường làm việc thực tế thay vì chỉ học lý thuyết. Mới đây, Trường CÐ Quốc tế TP Hồ Chí Minh đã thành lập Câu lạc bộ DN - Doanh nhân đồng hành để tạo thêm nguồn việc làm, tăng cơ hội cọ xát cho SV nhà trường.
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, mô hình 9+ ở nước ta đang tạo được hiệu ứng tốt khi mở hướng phân luồng hiệu quả cho HS tốt nghiệp bậc THCS. Ðiều này thật sự cần thiết vì trong năm học tới, ngành giáo dục và đào tạo thành phố sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm tỷ lệ HS vào lớp 10 công lập. Ðây là điều mà các quốc gia phát triển đã thực hiện từ lâu nhằm tạo cân bằng cho tỷ lệ lao động trong thị trường, giảm tổn thất về nhân lực do "thừa thầy, thiếu thợ".