Hệ 9 + Cao đẳng: Xây dựng mô hình tiếp cận đào tạo hướng quốc tế

Nhiều năm qua, vấn đề phân luồng giáo dục vẫn luôn là vấn đề khó khăn, dẫn đến những bất cập trong hệ thống giáo dục quốc dân; đồng thời gây nên sự tốn kém, lãng phí không nhỏ trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của đất nước.

Và trong nỗ lực để tìm kiếm các giải pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB và XH) dự kiến xây dựng và trình Chính phủ mô hình đào tạo học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) lên thẳng cao đẳng (còn gọi là mô hình 9 + Cao đẳng), được xem là mô hình tiệm cận với đào tạo hướng quốc tế.

Phân luồng để tránh lãng phí

Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LÐ - TB và XH), kết quả tuyển sinh trung cấp những năm gần đây có xu hướng tăng, cụ thể năm 2016 là hơn 290 nghìn học sinh, năm 2017 là 310 nghìn học sinh, năm 2018 ước khoảng 320 nghìn học sinh, trong đó số lượng học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn học nghề luôn thay vì học trung học phổ thông (THPT), có xu hướng gia tăng. Ðiều này cho thấy, nhiều học sinh và phụ huynh đã bắt đầu có sự thay đổi nhận thức, bỏ dần tư duy chuộng bằng cấp, học để có việc làm, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp...

Theo Thứ trưởng Bộ LÐ - TB và XH Lê Quân, tỷ lệ phân luồng vào học nghề của các nước trong khu vực và thế giới rất cao; nhiều nước tỷ lệ học sinh vào học nghề luôn đạt hơn 50%. Phân luồng học sinh sau trung học vào học nghề là xu thế của các nước phát triển trên thế giới, là chiến lược quan trọng để phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia, tạo ra cơ hội học tập không ngừng, học suốt đời cho mọi công dân. Các nước phát triển như Ðức, Pháp, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a đã thực hiện phân luồng học sinh vào học nghề từ rất lâu. Ðối với mô hình phân luồng để học sinh lớp 9 vào thẳng cao đẳng đã có một số quốc gia thực hiện như Nhật Bản với mô hình đào tạo KOSEN rất nổi tiếng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các kỹ sư thực hành từ các em tốt nghiệp THCS.

Tại Việt Nam, tâm lý chuộng bằng cấp đã dẫn đến hệ quả là hệ thống giáo dục khó khăn trong thực hiện phân luồng và định hướng người học không đúng với yêu cầu phát triển của thị trường lao động, dẫn tới tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ". Vô hình trung học nghề được mặc định dành cho các học sinh yếu kém. Ðồng thời, chất lượng đào tạo liên thông từ học nghề lên đại học và đào tạo đại học tại chức cũng bị coi nhẹ, thả lỏng, dẫn đến xã hội coi người tốt nghiệp đại học liên thông, tại chức kém hơn người tốt nghiệp đại học chính quy.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, cần phá bỏ lối tư duy này. Việc phân luồng vào học nghề của học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phân luồng tốt sẽ khắc phục cơ bản được tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ". Tuy nhiên, cần phải có các giải pháp để giải quyết được "điểm nghẽn" trong phân luồng hiện nay, theo mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2020, phân luồng sau THCS phải đạt 30% số học sinh vào học các trường nghề, nhưng hiện mới chỉ đạt khoảng 15%.

Sinh viên đang trong giờ thực hành tại Trường Cao đẳng Quốc tế TpHCM

(Sinh viên Trường Cao đẳng Quốc tế TpHCM đang trong giờ thực hành)

Ðẩy nhanh đào tạo hệ 9 + Cao đẳng

Hiện nay, Bộ LÐ - TB và XH dự kiến xây dựng đề án đào tạo hệ 9 + Cao đẳng dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Ðây được coi là mô hình tiệm cận với đào tạo theo hướng quốc tế, tuy nhiên, thực hiện được hay không lại phụ thuộc vào chính sách phân luồng sau THCS.

Thứ trưởng Lê Quân cho biết, cần phải khẳng định, đây là mô hình đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng nhưng dành cho đối tượng tốt nghiệp THCS, chứ không phải là đào tạo trình độ cao đẳng từ tốt nghiệp THCS. Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), để vào học cao đẳng, người học phải có bằng tốt nghiệp THPT, hoặc đã tốt nghiệp trung cấp và có bằng tốt nghiệp THPT hoặc là học đủ, đạt yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định mới được vào học cao đẳng. Do vậy, mô hình này tuyển đầu vào với đối tượng tốt nghiệp THCS để học trung cấp sau chuyển tiếp liên thông lên cao đẳng.

Với những ưu điểm nêu trên, việc lựa chọn mô hình này sẽ giúp các em học sinh chọn nghề sớm phù hợp năng lực của bản thân, rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí và sớm gia nhập thị trường lao động trong khi vẫn có cơ hội liên thông lên các trình độ cao hơn. Về việc thực hiện mô hình này, Bộ LÐ - TB và XH sẽ đề xuất lên Chính phủ mô hình đào tạo học sinh lớp 9 lên thẳng cao đẳng với lộ trình thực hiện phù hợp. Ðây là một trong những bước đổi mới căn bản trong phương thức tổ chức đào tạo của Bộ, phù hợp chủ trương, chính sách của Ðảng theo tình hình Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XI đó là đẩy mạnh phân luồng sau THCS, và mới đây là Ðề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025", đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, để thu hút học sinh hết lớp 9 vào học hệ này, giải pháp duy nhất là nâng cao chất lượng đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng. Thời gian qua, Bộ LÐ -TB và XH đã triển khai, cho phép các trường mở rộng mô hình đào tạo 9 + Cao đẳng dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Ðến nay, nhiều trường cao đẳng đã thực hiện đào tạo trình độ trung cấp cho các em học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, còn ít trường đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng cho đối tượng này.

Thông qua Dự án JICA của Nhật Bản, thời gian qua, một số trường của Bộ Công thương (Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại, Cao đẳng Công thương Huế, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng… ) đã triển khai mô hình 9 + Cao đẳng kiểu KOSEN Nhật Bản, nhưng thực chất vẫn là liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Theo báo cáo của các trường đã thực hiện, thì mô hình 9 + Cao đẳng đang thu hút sự quan tâm lớn của học sinh và phụ huynh về tiết kiệm chi phí, thời gian học và sớm gia nhập thị trường lao động. Nhiều em học sinh tốt nghiệp ra trường được các doanh nghiệp trả mức lương trung bình từ năm đến bảy triệu đồng/tháng; một số ngành, nghề đặc thù có nhu cầu nhân lực cao như: hàn, công nghệ ô-tô có thu nhập trung bình lên tới hơn 10 triệu đồng/tháng.

Ðồng thời, để giải quyết "nút thắt", Bộ LÐ - TB và XH cũng đã có những giải pháp và cách làm để phân luồng người học bằng chính sách hấp dẫn như: miễn học phí 100% cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp; miễn học phí trình độ trung cấp, cao đẳng cho các đối tượng chính sách xã hội; học theo chế độ cử tuyển; người học học các nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu, nghề đặc thù; chính sách nội trú cho người học là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, học sinh phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ chi phí và vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài.

NHẬT ANH (Báo Nhân Dân)

 

Thông báo tuyển sinh hệ 9+

Hãy nhập số điện thoại của bạn
và chúng tôi sẽ gọi lại cho bạn để tư vấn

Chúng tôi đang tiếp nhận và gửi tới bộ phận xử lý

Cảm ơn.
Chúng tôi sẽ gọi lại sớm nhất có thể.

Liên hệ