"Sinh viên chúng tôi về nông thôn làm việc đều thành công"

Phần lớn các trường đào tạo nghề tập trung ở thành phố nên người đi học không có ý định quay về nông thôn làm việc, trong khi một bộ phận ở nông thôn muốn học lại ít được tiếp cận mô hình đào tạo tốt.

Ông Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho rằng để đưa người học nghề về nông thôn làm việc có thể ở hai cách.

Cách thứ nhất theo ông Phương là trực tiếp đào tạo nghề cho chính con em nông dân tại địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước phụ trách mảng lao động việc làm thường tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp cho địa phương mình.

"Muốn làm tốt thì cần có kinh phí triển khai tập huấn, huy động sự hỗ trợ từ doanh nghiệp sản xuất, cùng chung tay trong đào tạo bồi dưỡng tay nghề cho lao động nông thôn. Hình thức đào tạo thường sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, phù hợp với thế mạnh địa phương và nhu cầu người học"- ông Phương nói.

Cách thứ hai là người học có nhu cầu đào tạo nghề tại các cơ sở đào tạo nghề như TC, CĐ nghề (đặt ở thành phố), thường là học sinh học hết cấp 2 hoặc THPT. Đây là đội ngũ lao động cần phải có giải pháp để khuyến khích và đưa họ về nông thôn làm việc.

Ông Phương đề xuất, nhà nước cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư và phân bổ nguồn lực đầu tư sản xuất nhiều hơn cho khu vực nông thôn căn cứ vào đặc điểm và thế mạnh từng vùng. Việc này giảm tải nhiều thứ ở thành phố, đồng thời giúp người lao động gắn với nông thôn hơn với phương châm "ly nông nhưng không ly hương".

Về phía địa phương, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người học đào tạo nghề nghiệp phù hợp với địa phương, đặc biệt gắn với phong trào khởi nghiệp, đang được Chính phủ quan tâm.

Thực hiện đồng bộ giải pháp tăng cường các hình thức hỗ trợ cho lao động sau đào tạo nghề bằng cách xây dựng mối liên kết và tương tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà nước (địa phương) và cơ sở đào tạo nghề để đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu kinh tế địa phương.

"Sẽ không một giải pháp đơn lẻ nào đi đến thành công, do vậy việc này cần sự chung tay của nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu địa phương"- ông Phương khẳng định.

Ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhìn nhận, lợi ích kinh tế là động lực mạnh nhất để đưa người học nghề về nông thôn.

Theo ông Lý người học và cả những nhà quản lý cần cần phân tích kỹ và rõ để đưa ra những chính sách phù hợp để thu hút người học nghề về nông thôn. Bởi tương lai nghề nghiệp và cơ hội phát triển ở khu vực nông thôn rất lớn và mang tính bền vững.

Theo ông Lý, nông thôn phải thu hút được 2 đối tượng đó là người nông thôn học nghề và theo nghề tại chỗ và người nơi khác và thậm chí cả thanh niên thành phố về nông thôn để học nghề.

"Để làm được điều này, các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các doanh nghiệp cần tính toán chi phí làm ra sản phẩm ở khu vực nông thôn cộng với chi phí vận chuyển vẫn thấp hơn nhiều sản xuất tại vùng thành thị bởi tất cả đều đắt đỏ. Tính toán chính sách và giải pháp trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Giải quyết việc làm sau đào tạo sẽ quyết định sự ở lại hay đi của lao động nông thôn. Nếu làm được như vậy người lao động mới yên tâm tham gia các lớp học nghề để nâng cao tay nghề và kĩ năng, tìm kiếm cơ hội công việc với mức lương ổn định"- ông Lý nhìn nhận.

Ông Lý cũng cho rằng hiện tại Chính phủ đã có đề án về đào tạo nghề nông thôn được đánh giá là đã góp phần thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất để nâng cao đời sống. Tuy nhiên hiệu quả của đề án vẫn chưa cao, do vậy cần được nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể để đưa ra những giải pháp căn cơ, phát huy hiệu quả trong giai đoạn cuối, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển nông thôn bền vững.

Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng Trường CĐ quốc tế TP.HCM cho rằng, nhà trường và doanh nghiệp không thể đưa được người học nghề về nông thôn mà cần phải có sự chung tay của nhà nước (địa phương).

"Việc chuyển dịch lao động cho phép người lao động được lựa chọn thị trường lao động cảm thấy phù hợp. Nếu một em ở nông thôn lên thành phố học với mục tiêu muốn trụ lại thành phố để đổi đời thì việc đưa các em về lại nông thôn là bất khả thi. Chúng ta không thể cấm mà chỉ có thể khuyến khích các em quy về. Muốn như vậy nông thôn phải có những thị trường lao động thật tốt"- ông Lý nói.

Ông Lý cho hay, tại Trường CĐ Quốc tế TP.HCM số sinh viên tốt nghiệp xong về nông thôn làm việc chiếm khoảng 30%. Lý do về nông thôn đa phần vì gia đình như gần ba mẹ, có nhà cửa, đất đai nhưng lại rất thành công.

"Với kiến thức, bản lĩnh chúng tôi trang bị cùng với việc về quê có cơ sở vật chất, thống kê của chúng tôi các em về quê làm việc đều thành công"- ông Lý khẳng định.

Ông Trần Công Nam, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa, cho hay trường ông đã nghĩ tới phương án mở các "vệ tinh" để đào tạo nghề ngắn hạn ở nông thôn.

Theo ông Nam, hiện nay nhu cầu học sơ cấp ở các huyện, nông thôn tại các tỉnh thành khu vực phía Nam rất cần thiết. Khu vực này người học hầu như là lao động phổ thông ở độ tuổi trung niên, đã đi làm nhưng chưa bổ sung nghiệp vụ đúng chuyên môn.

"Hiện tại chúng tôi đang triển khai các nhóm ngành đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn như: Nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch, nấu ăn, lâm sinh, chăn nuôi thú y, an toàn lao động,...đã thu hút được người học cũng như được đánh giá cao của chính quyền địa phương"- ông Nam nói.

Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" nay đã tới gia đoạn kết thúc. Theo báo cáo của các địa phương, bộ ngành, đến hết tháng 9/2019 đã có trên 9,2 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ; trong đó có 5,3 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Uớc thực hiện đến hết năm 2019, có khoảng 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ, đạt 87,2% mục tiêu (11 triệu người)…

Tuy nhiên đề án vẫn còn nhiều tồn tại như hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước.

Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là danh mục nghề nông nghiệp ở một số địa phương vẫn còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp dẫn đến hiệu quả sau học nghề không cao.

Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn.

Chưa có nhiều mô hình đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao, nông
nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Việc nhân rộng những mô hình này còn hạn chế do khó khan về vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm…Có nơi, ngành nghề đào tạo chưa thực sự phù hợp, còn hình thức, hiệu quả chưa cao…

Hãy nhập số điện thoại của bạn
và chúng tôi sẽ gọi lại cho bạn để tư vấn

Chúng tôi đang tiếp nhận và gửi tới bộ phận xử lý

Cảm ơn.
Chúng tôi sẽ gọi lại sớm nhất có thể.

Liên hệ